Thế nào là học tập để phát triển bản thân?
Có 2 dạng học tập. Học tập theo nghĩa rộng và học tập theo nghĩa hẹp.Học tập theo nghĩa hẹp là học tập ở trường lớp hay khóa học (thí dụ Cao Học) định hướng vào một chuyên môn cụ thể. Học tập theo nghĩa rộng là học tập ngoài xã hội thông qua tích lũy kinh nghiệm, bao gồm học tập trải nghiệm. Phát triển bản thân phải cân đối hài hòa giữa 2 dạng học tập này.
Mục đích của học tập là để nâng cao chất lượng cuộc sống và chất lượng công việc của bản thân. Có thể phát triển bản thân qua nhiều hình thức học tập sau:
1. Bắt chước:
Học tập không chỉ là học ở trường lớp mà còn học ngoài xã hội, từ những người thành công và cả học từ các nguồn thông tin rộng lớn trên Internet.
2. Được hướng dẫn
Trong quá trình học tập, chúng ta không chỉ học từ các kiến thức, mà chúng ta còn được hướng dẫn cách tiếp cận vấn đề, cách động não (brainstorm) tìm ra giải pháp cho các tình huống (case study), biết cách khơi mào vấn đề (problem shaping) để kích thích giải pháp hiện ra, tìm tòi các đề tài mở để mở ra nhiều hướng nghiên cứu mới…
3. Trải nghiệm
a. Học tập bao gồm cả quá trình học hỏi và rút kinh nghiệm từ các sai lầm. Không những từ sai lầm của bản thân mình mà còn từ sai lầm của những người khác. Học tập phải gắn với trải nghiệm. Học một mà biết mười.
b. Những người thành công sẽ biết cách kết hợp học tập với hành vi, hành động thiết thực, tinh tế... “Gieo hành vi gặt thói quen, gieo thói quen gặt tính cách, gieo tính cách gặt gặt số phận.”. Những người mang cho mình lý thuyết sáo rỗng sẽ không thể gặt hái được thành công.
c. Quá trình học tập cần phải linh hoạt và áp dụng vào thực tiễn công việc, tránh học lan man. Phải học tập theo chiều sâu. Tiếp cận kiến thức một cách chủ động và sáng tạo. Học tập là tiếp thu một cách có chọn lọc. Học những kiến thức có ích cho công việc và cuộc sống. Học và thực hành phải đi cùng với nhau thì mới có hiệu quả một cách tốt nhất.
d. Để học tập tốt, chúng ta cần bước ra khỏi “vùng thoải mái” - “vùng đã biết” (confort zone). Vùng thoải mái sẽ làm cho chúng ta tự mãn về tri thức, khiến chúng ta không thể nhận ra những lĩnh vực mình còn ít hiểu biết. Tích luỹ những kiến thức và kỹ năng cần thiết để phát huy tối đa những điểm mạnh của bản thân. Muốn đạt được mục tiêu cần có sự bền bỉ, kiên trì…
Trong 3 hình thức học tập cơ bản trên thì trải nghiệm là hình thức học tập hiệu quả nhất.
Ngoài ra còn có các hình thức học tập khác như:
1. Tham gia giảng dạy, đào tạo, chia sẻ…
Học tập còn là một quá trình trao đổi và chia sẻ nhận thức trong cộng đồng. Học tập bao gồm cả quá trình đào tạo và giảng dạy những cá nhân khác, có thể đó là các đồng nghiệp cấp dưới, các nhân viên mới cần đào tạo... Thông qua đào tạo hoặc seminar, bản thân người dạy cũng được cập nhật kiến thức mới và nắm vững chuyên môn sâu sắc hơn. Nhờ sự tiến bộ của CNTT, quá trình học tập còn được phản ánh thông qua trao đổi học tập kinh nghiệm trên các diễn đàn điện tử (e-forum).
2. Tự học
a. Luôn học hỏi và biết khơi gợi những khả năng có sẵn của bản thân để tự thiết kế mục tiêu trong cuộc sống, tự hành động và tạo ra bản lĩnh cho riêng mình.
b. Phải biết tự đánh giá chính bản thân mình trong quá trình học tập. Tự đánh giá cũng là một hình thức phản tỉnh để qua đó nâng cao trình độ và ý thức học tập.
c. Học mọi lúc mọi nơi: Học tập sẽ giúp định hình, mở rộng và rèn luyện trí óc để đáp ứng những tình huống mới và giải quyết khó khăn. Để có được nguồn cung cấp những ý tưởng chất lượng cao, ổn định, có thể theo cách sau: Mỗi tháng mua ít nhất một cuốn sách thú vị và đặt mua dài hạn hai tờ báo hay tạp chí. Với một số tiền rất nhỏ, trong một khoảng thời gian ngắn nhất, chúng ta có thể tiếp cận với những suy nghĩ thú vị và hữu ích có sẵn khắp mọi nơi.
d. Không có một công thức chung nào để đạt được học tập hiệu quả cho tất cả mọi người. Mỗi người học nên tìm cho mình một phương pháp học hiệu quả nhất. Một phương pháp có thể hợp với người này nhưng với người khác thì không. Thí dụ người A có thể học giỏi tiếng Anh thông qua xem phim. Nhưng người B chỉ có thể học giỏi tiếng Anh thông qua theo dõi bản tin.
Trình bày hiểu biết về học tập và quá trình học tập.
1. Quá trình học hỏi: Là sự thay đổi tương đối bền vững về hành vi diễn ra do kết quả của quá trình trải nghiệm
- Quá trình học tập giúp con người duy trì và nâng cao sự sáng tạo, mở rộng tầm nhìn, mang lại nhiều điều mới mẻ cho công việc. Tất cả các tri thức đều có một mối liên hệ phổ biến nào đó, trực tiếp cũng như gián tiếp. Biết cách kết hợp giữa ý thức tự giác, tư duy, logic và đánh giá chủ quan (như kinh nghiệm, cảm xúc…) của chính mình sẽ giải quyết công việc được tốt hơn. Việc học bắt đầu từ những câu hỏi “tại sao?” và đó là những câu hỏi quan trọng nhất về tính sáng tạo. Từ những câu hỏi mà một người nêu ra, sẽ kích thích sự học hỏi của người khác.
- Học để ra quyết định tốt hơn. Nhờ có tri thức, sẽ tạo ra nhiều cơ hội và nhiều lựa chọn phong phú đa dạng, việc đưa ra quyết định sẽ có chất lượng hơn rất nhiều, nhờ đó sẽ biết cách lật ngược vấn đề theo những cách khác nhau, soi sáng vấn đề từ những khía cạnh chưa ai đề cập đến.
- Học để phân biệt được điều phải trái. Học để tự đổi mới bản thân. Không học tập tốt sẽ làm cho suy nghĩ nông cạn, định hướng sai mục tiêu, đưa ra cách giải quyết không hiệu quả, nhận thức kém, giao tiếp không tốt
- Trong quá trình học hỏi, hành vi của một cá nhân có thể có được thông qua “bắt chước” hoặc “định hình” trong một môi trường cụ thể nào đó. Ở đây quy luật ảnh hưởng sẽ có vai trò quyết định.
2. Quá trình học trải nghiệm:
Diễn ra theo 4 bước:
- Lập kế hoạch:
Đặt mục tiêu cụ thể để thực hiện và để có thêm năng lượng, cố gắng khám phá sự thú vị thực sự của mục tiêu.
- Trải nghiệm
Xây dựng mục tiêu cho từng giai đoạn và nỗ lực từng ngày một, từng bước một. Hãy xem mỗi nhiệm vụ cần làm, dù có tầm thường đến đâu, đều là một bước tiến đến mục tiêu lớn hơn.
- Xem xét lại
Sau mỗi một giai đoạn, cần phải xem xét lại các mục tiêu. Loại bỏ các mục tiêu không khả thi. Chọn lọc ra các mục tiêu khả thi nhất.
- Học tập
Nhờ “tích tiểu thành đại”, “mưa dần thấm lâu”, “năng nhặt, chặt bị”… mà những những mục tiêu nhỏ bé có thể tạo ra một kết quả tuyệt vời trong học tập.
3. Các yếu tố quyết định một quá trình học tập thành công.
- ĐAM MÊ TRONG HỌC TẬP: Đó là cách duy nhất dẫn dắt chúng ta đi tới đích nhanh nhất. Nếu không có đam mê, quá trình học tập sẽ không thể hiệu quả. Người thụ động sẽ chỉ cập nhật kiến thức khi có yêu cầu và định hướng từ cấp trên. Còn người chủ động sẽ biến việc cập nhật kiến thức thành một đam mê, do đó sẽ tiến xa hơn những người thụ động. Hãy để cho khao khát, đam mê trong học tập dẫn đường dẫn đường.
- THÁI ĐỘ VÀ ĐỊNH HƯỚNG HỌC TẬP QUYẾT ĐỊNH HIỆU QUẢ HỌC TẬP: Cũng giống như công việc, học tập phải gắn với hiệu quả. Hai yếu tố quan trọng để thúc đẩy hiệu quả học tập là “thái độ học tập” và “định hướng học tập”. Mục tiêu cuối cùng không phải là kết quả học tập tốt, mà là kiến thức thu nhận được một cách có chọn lọc. Chúng ta cần hình thành các thói quen học tập tốt: Luôn tìm kiếm cơ hội để sử dụng kiến thức mới. Luôn hình dung tổng thể trước khi đi vào chiều sâu…
- QUẢN LÝ THỜI GIAN HIỆU QUẢ:
Trong bất cứ thời đại nào, đổi mới công nghệ, quy trình… diễn ra khắp nơi và thường xuyên. Nếu chúng ta không thường xuyên học tập thì sẽ nhanh chóng bị tụt hậu, sức cạnh tranh của doanh nghiệp kém hơn so với đối thủ cạnh tranh. Cho dù là người bận rộn, chúng ta không nên bỏ qua học tập cho dù chỉ là 30 phút mỗi ngày. Vì vậy việc quản lý thời gian của chính chúng ta là hết sức quan trọng, chúng ta phải làm chủ thời gian. Hiệu quả của công việc thường đến từ 20% số thời gian chúng ta đầu tư cho học tập.
- NIỀM TIN TRONG CUỘC SỐNG: Hãy bắt đầu một ngày mới bằng việc tự nhủ rằng mình sẽ tiến bộ hơn ngày hôm qua, rằng mình sẽ dần hoàn thiện hơn, và cuộc sống mơ ước rồi sẽ đến với mình. Và hãy tin một cách chắc chắn rằng chúng ta sẽ làm được những điều đó.
- Cuối cùng, học tập là quá trình “Học mà chơi”.
No comments:
Post a Comment